Nhằm kế thừa, bảo tồn và phát huy tinh hoa y học cổ truyền (YHCT) dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, Hội Đông y tỉnh không ngừng củng cố, phát triển tổ chức hội… Qua đó, từng bước khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Đông y, góp phần cùng ngành Y tế thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hiện nay, Hội Đông y tỉnh có hơn 1.000 hội viên với 17 đơn vị trực thuộc, 220 phòng chẩn trị YHCT; trình độ chuyên môn, tay nghề của hội viên ngày càng được nâng cao. Từ năm 2008 đến nay, Hội Đông y các cấp đã khám, chữa bệnh và điều trị cho gần 10,2 triệu lượt bệnh nhân; trong đó, khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho hơn 108.000 lượt người bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Hội Đông y các cấp đã thực hiện khám và điều trị cho hơn 455.000 lượt bệnh nhân, trong đó, KCB miễn phí cho hơn 15.000 lượt bệnh nhân. Nhiều phương pháp chữa bệnh bằng YHCT đem lại hiệu quả cao và đã được các cơ sở y tế áp dụng như châm cứu, thủy châm, xoa bóp, day ấn huyệt, cứu mồi ngải, dùng thuốc nam sắc uống…
Nhờ đó, bệnh nhân có những bệnh lý về xương khớp, đau thần kinh tọa, phong hàn… đều phục hồi sức khỏe rất tốt, số lượng người có nhu cầu điều trị bằng YHCT ngày càng tăng.
Cùng với hoạt động KCB, các cấp hội Đông y đã làm tốt công tác bảo tồn, phát triển dược liệu, phát huy nội lực để tăng thu hái, giảm thu mua. Đến nay, toàn tỉnh có 157 vườn thuốc nam với tổng diện tích gần 19.000 m2; số lượng thu hái ngoài tự nhiên và nuôi trồng khoảng 5.000 tấn dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý và đa dạng.
100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có vườn thuốc mẫu với hơn 60 loại cây thuốc, góp phần đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia của các trạm y tế xã.
Hội viên Hội Đông y đã phát triển được 1 công ty và 3 hợp tác xã trồng, thu hái dược liệu sạch với nhiều cây dược liệu quý như trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, cà gai leo… với diện tích hơn 12 ha, chủ yếu được trồng ở các huyện Tam Đảo, Tam Dương và thành phố Phúc Yên.
Nhiều cây dược liệu quý, cây thuốc chữa bệnh cũng được các hội viên trồng bảo tồn tại các vườn thuốc của gia đình như vàng đằng, thất diệp nhất chi hoa, sâm cau…
Cùng với đẩy mạnh KCB, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển phương pháp điều trị đông tây y kết hợp cũng đạt kết quả cao. Từ đầu năm đến nay, hội đã triển khai nghiên cứu 8 đề tài cấp cở sở, đăng ký 1 đề tài cấp tỉnh triển khai năm 2024; trong đó, có ứng dụng 3 bài thuốc sử dụng dược liệu trồng tại địa phương.
Hiện hội đã thu thập được hơn 300 bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh hiệu quả từ các lương y trong tỉnh, phổ biến những bài thuốc quý nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh; tham gia các cuộc thi lao động sáng tạo do tỉnh tổ chức đạt kết quả cao; nhiều đề tài về dược liệu, bài thuốc cổ truyền, bài thuốc hay đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác KCB.
Trong đó, một số bài thuốc như hóa ứ thông mạch, dưỡng vinh thanh, sinh mạch thang, sinh lực VP, viên sáng mắt VP… đang được áp dụng hiệu quả tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh, đủ điều kiện để được thanh toán BHYT.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn Đông y được thực hiện thường xuyên, liên tục về các nội dung như cập nhật, chẩn đoán, điều trị đột quỵ; cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt y học cổ truyền; tập huấn về Luật KCB, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KCB và hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề.
Hội luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Điều lệ Hội Đông y Việt Nam, 12 điều y đức, 9 điều y huấn của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để điều trị một số bệnh đơn giản; tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện trên địa bàn… giúp nâng cao nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của các hội viên.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Với nhiệm vụ kế thừa, phát huy, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thuộc lĩnh vực Đông y, thời gian tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tích cực tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ chế quản lý KCB về Đông y, nhất là vấn đề đào tạo lương y, cấp chứng nhận bài thuốc gia truyền và cấp giấy phép hoạt động cho nhà thuốc gia truyền.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn nguồn quỹ gen các cây, con làm thuốc; nghiên cứu quy trình sản xuất thuốc, từng bước ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến, sản xuất thuốc đông dược, tạo ra nhiều thuốc thành phẩm chữa bệnh có hiệu quả cao, nhưng vẫn giữ được tính đặc thù của thuốc đông dược.
Tiếp tục đề xuất chính sách khuyến khích các thầy thuốc cống hiến, phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh có hiệu quả.
Tham mưu xây dựng chính sách phát triển nguồn dược liệu, đưa dược liệu sản xuất tại địa phương vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn; kết hợp phát triển dược liệu với phát triển du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh và công nghiệp dược”.
Minh Nguyệt
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN